Jed Lipinski – Sao ta không thể sống một cuộc đời như thế?


Đấy không phải là nhan đề mà Jed Lipinski đặt cho bài viết của mình. Nó là câu mà Maik L’Arlésienne – một người bạn của tôi trên facebook – thốt lên khi đọc được bài viết này: “Why can’t we just live a life like this?”. Đấy cũng là câu hỏi mà tôi tự đặt ra cho mình khi đọc xong câu chuyện phi thường mà cũng rất đỗi giản dị này. Cho dù, cái dở nhất của mình là cuối cùng hỏi cũng chỉ để hỏi.

Câu chuyện về vợ chồng Vogel mà tôi quyết định dịch sang tiếng Việt ở đây có lẽ là một câu chuyện về tình yêu lý tưởng: tình yêu dành cho nghệ thuật và tình yêu dành cho nhau. Đọc xong, ngẫm lại mình, ngẫm lại đời sống quanh mình để thêm buồn. Nghệ thuật ở VN vừa bị xem như một thứ phù phiếm, xa xỉ vừa là cái gì đó mang tính đặc tuyển. Một nhân viên bưu điện bình thường ở Việt Nam ta liệu có thể tự nhiên bước vào một gallery bao giờ cũng đóng cửa, cũng tỏ ra sang trọng đến độ gây mặc cảm cho người muốn bước vào? Bao giờ chúng ta, ngay cả những trí thức nghèo như tôi, có thể thôi lấy lý do cơm áo gạo tiền để biện hộ cho một đời sống tẻ nhạt, tầm thường, không đam mê, không hứng khởi với nghệ thuật, thi ca? Bao giờ tôi có thể chấp nhận một đời sống dù nghèo khốn đến đâu ta vẫn có thể dành thời gian, tâm huyết cho nghệ thuật. Đọc bài báo xong mà buồn… Buồn vì mình hèn, buồn vì đời sống quanh ta cái tầm thường lên ngôi ngạo nghễ. Nhưng đọc xong thì cũng tin, tin rằng tình yêu đẹp đến thế vẫn còn hiện hữu. Cặp vợ chồng chấp nhận một đời sống bề ngoài thì lặng lẽ, sống trong căn hộ chật chội, nhưng cùng chia sẻ đam mê nghệ thuật mãnh liệt với một tình yêu vô cầu dành cho nó gợi tôi nhớ đến một hình ảnh mà Charles Simic đã khái quát thành biểu tượng của hạnh phúc:

“Sự gần gụi của hai người cùng lắng nghe bản nhạc họ yêu thích. Không có một sự hòa hợp nào hoàn hảo hơn thế. Tôi nhớ một buổi tối mùa hè, bên một chai rượu vang trắng rất ngon, Helen và tôi cùng thưởng thức bản “Blue Lester” do Prez chơi. Chúng tôi chăm chú nghe, như thể những kẻ đã từng nghe bản nhạc đến trăm lần, đến nỗi vào khoảnh khắc ấy, bản nhạc như thể kéo dài mãi mãi.”

Ở đây, có thể thay thế việc nghe bản nhạc bằng việc cùng ngắm một tác phẩm mỹ thuật…

Khi mở lại blog cá nhân này, tôi có ý định chỉ dành nó để viết những trải nghiệm cá nhân, dịch các tư liệu học thuật hoặc sáng tác văn chương. Nhưng câu chuyện về tình yêu này đã thôi thúc tôi dịch nó – vì có những cuộc đời tự bản thân chúng đem đến cho ta nhiều trải nghiệm hơn cả những triết lý hay những hư cấu văn chương.

*

epkp_03_poster1_sm

Herbet Vogel chưa bao giờ kiếm được hơn 23.000 $ một năm. Sinh ra và lớn lên tại khu Harlem, Vogel làm việc cho bưu điện ở Manhattan. Ông đã sống gần 50 năm trong căn một chỉ có một phòng ngủ, rộng 450 foot vuông, với vợ mình, bà Dorothy, một thủ thư làm việc tại Thư viện công cộng Brooklyn. Họ sống một đời sống đạm bạc.  Không du lịch. Chỉ ăn những bữa tối với đồ làm sẵn. Ngoài việc nuôi mấy con vật cảnh, họ chỉ có một đam mê duy nhất: nghệ thuật. Nhưng đam mê sưu tầm nghệ thuật này đã đem lại cho họ một danh tiếng đặc biệt: họ là những người hùng thuộc tầng lớp lao động giữa một thế giới vốn bị thống trị bởi tầng lớp đặc tuyển ở Manhattan.

Mặc dù những người cùng làm với họ không biết về điều này nhưng báo chí thì đã chú ý đến họ. Tờ The New York Times gọi vợ chồng Vogel là “Đôi tình nhân – tri âm” của thành phố New York. Trong số bạn thân của họ, có cả những họa sĩ bậc thầy của trào lưu tối giản (minimalism) như Richard Tuttle và Donald Judd. Và chỉ trong bốn thập niên, họ đã tập hợp được một trong những bộ sưu tập tư nhân quan trọng nhất về nghệ thuật thế kỷ XX, họ chất chồng đến tận trần nhà căn hộ của họ những phác thảo của Chuck Close, tranh của Roy Lichtenstein và tác phẩm điêu khắc của Andy Goldsworthy. Hiện nay, hơn 1000 tác phẩm họ mua được đã được lưu trữ tại Bảo tàng Quốc gia, một bộ sưu tập mà một giám tuyển ở đó khẳng định là “thực sự vô giá”. J. Carter Brown, nguyên giám đốc của bảo tàng, đã gọi bộ sưu tập này “bản thân nó là một công trình nghệ thuật”.

Vợ chồng Vogel không hề được đào tạo chính quy về sưu tầm nghệ thuật. Họ cũng không có tham vọng mở gallery hay làm việc trong bảo tàng. Họ mua các tác phẩm nghệ thuật theo cách mà bất cứ kẻ sưu tập a-ma-tơ nào làm: mua vì tình yêu đối với những tác phẩm cụ thể và sự hấp dẫn về giá cả. Song không phải ngẫu nhiên mà họ có được bộ sưu tập vô giá như thế này. Herb và Dorothy có cả một chiến lược để tìm kiếm, định giá và mua các tác phẩm nghệ thuật. Khi công việc này trở thành sở thích lớn nhất của họ, vợ chồng Vogel đã trở thành những chuyên gia tự đào tạo. Đây là cách họ thực hiện.

Nghệ thuật mua tranh

Herbert Vogel sinh năm 1922, cha làm một thợ may và mẹ làm nội trợ. Là một chàng thiếu niên có khuynh hướng nổi loạn, mê nhạc jazz và áo zoot, ông bỏ trường trung học vì “Tôi ghét người ta bảo tôi phải làm,” ông nói. Thay vào đó, ông làm việc trong một nhà máy thuốc lá trước khi đảm nhiệm một công việc tại Cục Vệ binh quốc gia. Khi một bên vai của ông bị trật khớp, dẫn đến việc ông phải nghỉ việc vì không đảm bảo về sức khỏe, ông đã dành thời gian tham dự những buổi seminar về nghệ thuật tại Viện Mỹ thuật tại Đại học New York, nơi những sử gia nghệ thuật lừng lẫy như Erwin Panofsky và Walter Friedlaender điều khiển. Vào những buổi tối, Herb thường xuyên đến Cedar Tavern, nghe những nghệ sĩ như Willem de Kooning và Franz Kline tranh cãi gay gắt với nhau với ý nghĩa của chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng. Ông đã quyết định trở thành họa sĩ. Để có thể theo đuổi đam mê mới này, ông đã nhận một công việc tại bưu điện, làm ca ba ở ban phụ trách thư không có người nhận.

Tháng 11 năm 1960, Herb, khi đó 38 tuổi, đến dự một buổi khiêu vũ tại khách sạn Statler Hiilton ở Manhattan. Giữa đám đông, ông bị thu hút bởi phụ nữ trẻ, xinh xắn, có dáng dấp của một trí thức học cùng trường cấp hai với ông nhưng cách ông 13 năm. Đó chính là Dorothy Faye Hoffman, con gái của một người buôn bán văn phòng phẩm ở Elmira, N.Y. Dorothy chuyển đến Brooklyn trước đó hai năm sai khi nhận bằng thạc sĩ về ngành thư viện tại Đại học Denver. Herb nghĩ cô ấy thật “thông minh” còn Dorothy thì thấy ông thật dịu dàng. Bà mê những bước khiêu vũ của ông. Đó là tình yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Herb và Dorothy làm lễ kết hôn vào năm 1962 và hưởng tuần trăng mật ở Washington D.C, nơi họ đã có chuyến đi không thể nào quên đến Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia. “Đó là nơi mà Herb đã dạy tôi bài học đầu tiên về mỹ thuật”, Dorothy nói. Khi đó, bà – vốn là người yêu âm nhạc và sân khấu hơn-hầu như chưa biết gì về mỹ thuật. Nhưng nhiệt tình của người chồng đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến bà. Bà đã cùng ông tham dự những lớp học vẽ và mỹ thuật ở NYU. Cũng trong năm này, họ đã mua một bức tượng nhỏ bằng vỏ kim loại ô tô nghiến của họa sĩ John Chamberlain. Họ không biết rằng bức tượng đó sẽ là hiện vật đầu tiên trong bộ sưu tập hàng ngàn tác phẩm của họ sau này.

Vợ chồng Vogel đã thuê một studio nhỏ tại khu vực Quảng trường Union, họ vẽ ở đó vào ban đêm và vào những ngày cuối tuần, họ sử dụng những tác phẩm nhiều màu sắc và rừu tượng để trang trí cho căn hộ mới của mình ở 86th Street. Song đến giữa những năm 1960, họ nhận thấy tham vọng nghệ thuật của họ vượt quá khả năng của họ. “Tôi vẽ không tệ”, Dorothy khẳng định và nói thêm, “Nhưng tôi không thích tranh của Herby.” Herb, lúc nào cũng khiêm tốn, cũng tự nhận: “Tôi là một họa sĩ tệ hại”. Và thay cho việc vẽ, họ quyết định tập trung vào sưu tầm.

Vào thời điểm ấy, Pop Art và Chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng đang là mốt và tác phẩm theo phong cách này quá đắt đối với vợ chồng Vogel. Ngược lại, phong cách tối giản và nghệ thuật ý niệm, lại chưa được giới nghệ thuật khẳng định. Vợ chồng Vogel quyết định: tiền lương của vợ sẽ dùng để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày còn tiền lương của chồng sẽ để dành cho sưu tầm nghệ thuật. Theo đuổi những khuynh hướng nghệ thuật mới này, họ đã đến thăm studio SoHo của một nghệ sĩ mà tác phẩm rất khó hiểu – Sol LeWitt và họ đã mang về tác phẩm đầu tiên mà LeWitt bán được: một bức tượng không đề hình chữ T bằng vàng. “Ông ấy có nhiều tiềm năng hơn mức bình thường, và tôi cảm nhận được điều ấy”, Herb nói. LeWitt về sau đã trở thành một nhân vật khổng lồ của nghệ thuật đương đại Hoa Kỳ.

Song ám ảnh của Herb và Dorothy mới chỉ thực sự bắt đầu. Mỗi tuần, hai vợ chồng họ đều tham quan hàng chục gallery và studio, họ trở thành một cặp mà họa sĩ Chuck Close gọi là “những người ban phước (mascots) của thế giới nghệ thuật”. Để hình thành bộ sưu tập nghệ thuật, hai vợ chồng lập thành một đội. Herb, như một kẻ đam mê mang tinh thần Dionysian, miệt mài săn tìm những tác phẩm nghệ thuật “như một chú chó săn chuyên nấm cục”, họa sĩ Lucio Pozzi, người có hơn 400 tác phẩm trong bộ sưu tập của nhà Vogel đã nói như vậy. Dorothy, một thủ thư mang tinh thần Apollonian với trí nhớ bách khoa toàn thư thì thụ động hơn, thường do dự và tính toán những vấn đề liên quan đến thực tế tài chính. Họ chỉ có một vài tiêu chí: Tác phẩm đó nằm trong khả năng chi trả; nó phải vừa vặn với căn hộ của họ, nó có thể vận chuyển được bằng taxi hay xe điện ngầm. Còn gì nằm ngoài những tính toán này nữa? Uy tín của nghệ sĩ. “Chúng tôi mua tác phẩm mình thấy thích”, Dorothy nói, “Đơn giản thế thôi.” Và họ cứ tiếp tục đời sống kép như vậy – chạy hết studio này đến studio kia, trao đổi, giao lưu, thỏa thuận với các nghệ sĩ, hàng đêm thăm dò, tìm kiếm những hiện vật lớn kế tiếp mà mình sẽ mua trong khi vẫn giữ đam mê này một cách riêng tư, không chia sẻ với đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên, để có được một bộ sưu tập nghệ thuật không thể tin nổi như vậy với một khoản tài chính phải nói là eo hẹp đòi hỏi họ phải có một vài mẹo mực.

Tác phẩm nghệ thuật

Nhiều người trong giới nghệ thuật gọi chiến lược của vợ chồng Vogel là trò lừa gạt. Đó là vì vợ chồng họ không bao giờ giao dịch với các gallery và các nhà môi giới nghệ thuật. Thay vào đó, Herb và Dorothy tiến hành thương thảo trực tiếp với những nghệ sĩ đang đói, họ đến các studio với tiền mặt trong tay. Nghệ sĩ Jeanne-Claude, người qua đời năm 2009, nhớ lại bà đã nhận cú điện thoại từ Herb vào năm 1971 khi cặp vợ chồng nghệ sĩ sáng tạo nên tác phẩm “The Gates” (Những cánh cổng) vẫn còn đang ngập ngụa nợ nần. “Nhà Vogel gọi đấy!” Jean-Claude đã phải kêu lên với ông chồng, cũng đồng thời là người đồng sáng tạo nghệ thuật với bà, khi đó đang vô cùng mệt mỏi, chán chường. “Chúng ta sẽ trả được tiền thuê nhà!” Song vợ chồng Vogel không chỉ đem tiền đến chỗ những nghệ sĩ tên tuổi lớn; họ cũng có sự quan tâm không kém  đối với những tài năng còn chưa được biết đến, và thường giúp đỡ họ phát triển sự nghiệp. David Reed, giờ đây là một trong những nghệ sĩ ý niệm nổi tiếng, nói rằng vợ chồng Vogel đã khuyến khích ông vẽ nhiều hơn – những tác phẩm hội họa này về sau đã trở thành một bộ phận quan trọng, trung tâm trong hoạt động nghệ thuật của ông. “Vợ chồng Vogel giúp bạn nhận thấy cái bạn đang làm chính là cái mà một nghệ sĩ đang làm,” ông nói. “Họ thực sự là người có cảm quan thẩm mỹ”. Khi họ chấm một tác phẩm nào đó vượt quá khả năng tài chính của mình, họ sẽ tìm cách nào đó để mua được. Họ sẽ tìm cách mua chịu, họ sẽ từ bỏ một kỳ nghỉ.; thậm chí họ có thể sẵn sàng nhận trông mèo giùm cho họa sĩ để việc thương lượng trở nên mềm hơn. Và các nghệ sĩ quý mến họ vì điều này. Như Chuck Close từng phát biểu trên tờ Newsday, “Bạn biết khi bạn bán cho họ tác phẩm đó, nó sẽ trở thành một phần của một bộ sưu tầm quan trọng”.

Cách đây không lâu, các tác phẩm nghệ thuật đã chiếm hết diện tích căn hộ của họ. Theo những thông tin thu thập được, căn hộ 450 foot vuông ở East 86th Street của họ giống một nhà kho hơn là một nơi để sống. Bộ sưu tập của vợ chồng Vogel đã dần dần chiếm chỗ tất cả những đồ đạc khác, ngoại trừ bàn ăn, vài cái ghề, một cái bàn làm việc, một chiếc gường giấu hàng chục bức tranh của Richard Tuttle và Lynda Benglis. Khách đến nhà có thể đụng đầu vào những bức tượng đất sét của Steve Keister treo trên trần và phát hiện ra những văn bản đồ hình của Lawrence Weiner trên tường nhà tắm. Và trong khi họ cất giấu các tác phẩm nghệ thuật ở bất cứ chỗ nào có thể, Dorothy không ngừng nhắc đi nhắc lại một tin đồn dai dẳng: Có lẽ trong nhà Vogel, chỉ có lò nướng mới là nơi không cất giấu tác phẩm nghệ thuật.

Nhưng không chỉ có những kiệt tác mới chiếm chỗ không gian căn hộ; nhà Vogel lại còn chia sẻ không gian này với 20 con rùa, 8 con mèo và một bể cá cảnh với nhiều loại cá lạ. Để bảo vệ tác phẩm nghệ thuật khỏi móng vuốt của mèo và rùa, hai vợ chồng đã đóng thùng và bao bọc những tác phẩm nghệ thuật không treo trên tường, điều này lại càng thu nhỏ không gian sống của họ. “Mỹ thuật là thứ duy nhất Herby quan tâm, ngoại trừ động vật”, có lần Dorothy đã nói. (Cũng rất phù hợp khi họ đặt tên những con mèo trong nhà mình theo tên các danh họa như Matisse, Renoir và Manet.) Khi giám tuyển của Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, Jack Cowatt lần đầu nhìn thấy căn hộ của họ, ông đã kinh ngạc. “Từ con mắt của một giám tuyển, tôi nhận thấy  căn phòng này bất chấp mọi hệ thống báo động. Tôi bắt đầu suy nghĩ: Chẳng may có một vụ hỏa hoạn thì thế nào? Nếu bể cá của Herb bỗng dưng rò rỉ, nước chảy ra lênh láng thì sao?”

Đến giữa thập niên 70, vợ chồng Vogue trở nên nổi tiếng – ít nhất là ở New York City. Gallery Clocktower, do Alanna Heiss, người sáng lập Trung tâm Nghệ thuật đương đại P.S.1, điều hành đã lần đầu tiên trưng bày triển lãm bộ sưu tập của vợ chồng Vogel vào tháng 4 năm 1975. Buổi khai mạc này tình cờ lại gợi liên hệ đến một cặp vợ chồng khác cũng sở hữu một bộ sưu tập mỹ thuật đương đại đáng giá. Tạp chí New York đã giật tít bài báo như sau: “Một huyền thoại của thế giới nghệ thuật đương đại: Tạm biệt Bob & Ethel; Xin chào, Dorothy và Herb!” Cái tít này nhắc đến Bob và Ethel Scull, một ông trùm doanh nghiệp taxi và cô vợ người mẫu trên tạp chi Vogue của ông ta. Sau vụ ly hôn gây ầm ĩ, toàn bộ bộ sưu tập các tác phẩm Pop Art và Biểu hiện trừu tượng của họ đã bị đưa ra bán đấu giá với số tiền kinh ngạc lên đến 10 triệu $. Vợ chồng Vogel, ngược lại, không bán đi một món nào. “Chúng tôi có thể dễ dàng trở thành triệu phú,” Herb đã nói với Hiệp hội báo chí. “Chúng tôi có thể bán đi các tranh, tượng… và sống ở Nice cùng với một số tác phẩm nghệ thuật còn giữ lại. Nhưng chúng tôi không quan tâm đến khía cạnh ấy.

Pozzi đưa ra một sự giải thích khác. “Đề nghị họ bán một tác phẩm trong bộ sưu tập cũng giống như việc đề nghị tôi cắt một góc từ những bức tranh của tôi ra vậy,” ông nói. “Họ là những nghệ sĩ và bộ sưu tập ấy là tác phẩm nghệ thuật của họ.”

Herb về hưu năm 1979 và cố nhiên, ông dùng tiền lương của mình để tiếp tục việc mua tranh. Nhưng quy mô ngày càng lớn của bộ sưu tập đã khiến vợ chồng họ phải lo lắng. Đến những năm 1980, họ buộc phải thừa nhận căn hộ của mình không còn đủ chỗ để chưa những tác phẩm họ yêu quý nữa. Vợ chồng Vogel bắt đầu gặp gỡ với các giám tuyển và cân nhắc những lựa chọn của họ. Họ muốn tặng lại bộ sưu tập của mình thay vì bán nó và họ muốn được làm việc này với Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia vốn là nơi mở cửa tự do cho công chúng đến thưởng lãm và giữ chính sách không bán các tác phẩm trưng bày. Điều đó cũng có nghĩa bộ sưu tập của họ sẽ không bao giờ bị đem bán. Đến năm 1990, khi Dorothy về hưu, vợ chồng Vogel lại tiếp tục việc tặng bộ sưu tập của mình cho Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia: Các nhân viên của Bảo tàng đã phải vận chuyển một số lượng đáng kinh ngạc – 2400 tác phẩm từ căn hộ nhỏ bé của vợ chồng Vogel, đợt vận chuyển này cần đến năm xe tải 40 foot. Thực tế, việc dỡ những tác phẩm chở trên xe tải xuống và sắp xếp chúng trong gallery đã khiến thang máy vận chuyển đồ của bảo tàng làm việc hết công suất trong suốt mấy tuần.

Nhận thấy vợ chồng Vogel đã không hề có khoản nào dự phòng cho tương lai, Jack Cowart, giám tuyển nghệ thuật thế kỷ XX của Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia đã dành cho họ một khoản trợ cấp nhỏ để bù lại cho sự hào phóng của họ. Nhưng thay vì để dành tiền thuốc thang hay để sống một cuộc đời hưu trí thoải mái, vợ chồng Vogel lại chẳng nghĩ đến điều đó. Ngay lập tức, họ lại bắt đầu sưu tập nhiều tác phẩm hơn. Khoản trợ cấp của bảo tàng giúp vợ chồng họ mua được thêm khoảng 1500 tác phẩm khác. Như Dorothy tâm sự: “Nếu chúng tôi cần tiền, chúng tôi đã đem đầu tư vào chứng khoán rồi”. Từ đó, vợ chồng họ xây dựng một chương trình rất hào hiệp, dù cũng quá sức đối với họ – 50 tác phẩm cho 50 bảo tàng, theo đó 50 bảo tàng trên khắp nước Mỹ sẽ được nhận 50 tác phẩm từ bộ sưu tập của nhà Vogel.

Năm 2008, bộ phim tài liệu về cặp vợ chồng này, Herb and Dorothy [Herb và Dorothy], do đạo diễn Megumi Sasaki thực hiện được phát hành và nhận được những phản hồi sôi nổi. Sasaki, nguyên là nhà sản xuất truyền hình công cộng ở Nhật Bản, đã gặp vợ chồng Vogel nhiều năm trước đó trong khi đang quay loạt phim về Christo và Jeanne-Claude. “Tôi không thể tin đây là câu chuyện có thật, rằng lại có những người như thế trên đời”, bà nhớ lại.

Đến tận năm 2009, khi sức khỏe của Herb bắt đầu trở nên kém đi, vợ chồng Vogel mới ngừng công việc sưu tập. “Đó là việc mà chúng tôi làm cùng nhau và khi Herb không còn đủ sức lực để theo đuổi đam mê này thì chúng tôi ngừng.” Dorothy nói đơn giản thế thôi. Herb qua đời vào tháng 7 năm 2012 ở tuổi 89. Dorothy vẫn tiếp tục sống trong căn hộ mà hai người đã sống chung suốt 49 năm cùng với con mèo đốm lửa Himalaya của họ được đặt tên là Archie còn sống đến tận giờ.  Giờ, công việc của bà, như bà nói, là làm sao để mọi người không quên bộ sưu tập mà bà và chồng đã gây dựng. Đó không chỉ là bộ sưu tập ấn tượng nhất từng được lưu giữ bên trong một căn hộ nhỏ bé mà còn là một trong những bộ sưu tập mỹ thuật quan trọng nhất của thế kỷ XX. “Tôi không hề hối tiếc,”  Dorothy nói. “Tôi đã sống một cuộc đời tuyệt vời. Và tôi tin Herb và tôi sinh ra là để dành cho nhau.”

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Jed Lipinski, “How a Working-Class Couple Amassed a Priceless Art Collection”, http://mentalfloss.com/article/48844/how-working-class-couple-amassed-priceless-art-collection#ixzz2YF8odgPl



Source link

Related Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published.